anh tin bai
anh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin baianh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hình tượng Bác Hồ trong sáng tác văn học, nghệ thuật
Lượt xem: 331

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các văn nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Các hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã sáng tác hàng trăm tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng về hình tượng của Người, góp phần tuyên truyền cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ở bộ môn âm nhạc, nhiều tác giả như: NSƯT Đức Miên, NSƯT Kiều Dư, nhạc sĩ Ngọc Hùng, nhạc sĩ Trọng Dự... đã sáng tác các tác phẩm ca ngợi công lao Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc, tình yêu thương đất nước, đồng bào... Nhạc sĩ Trọng Dự là một trong những tác giả có nhiều tác phẩm ấn tượng về đề tài Bác Hồ, tiêu biểu như bài hát “Người công dân vĩ đại” và tập ca khúc “Mẹ em kể chuyện Bác Hồ” gồm 11 bài hát thiếu nhi… Tập ca khúc “Mẹ em kể chuyện Bác Hồ” có các bài: “Tuổi thơ bay xa” đạt giải A cuộc thi Hoa phượng đỏ toàn quốc năm 1984, “Bông hoa tình bạn” đạt giải B cuộc thi Hoa phượng đỏ toàn quốc năm 1985. Nhạc sĩ Trọng Dự cho biết: “Sáng tác các tác phẩm lấy cảm hứng từ Bác Hồ đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ hiểu biết sự nghiệp đấu tranh đầy gian khổ, vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta, mà đòi hỏi nghệ sĩ phải hiểu biết và rung cảm sâu sắc với những tình cảm lớn lao và phong thái, đạo đức của Người”. Với NSƯT Kiều Dư, những lời dạy của Bác ở các ngành nghề, lĩnh vực đều khéo léo được lồng vào các tác phẩm âm nhạc và trở thành tư tưởng chủ đạo trong một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: “70 năm kết đài hoa dâng Bác”, “Đài hoa chiến công”... Tác phẩm hát văn “70 năm kết đài hoa dâng Bác” ca ngợi truyền thống 70 năm Công an nhân dân; trong đó những ca từ đẹp đều vận dụng lời dạy của Bác Hồ với người chiến sĩ công an như: “Trái tim tuyệt đối trung thành/Kính trọng, lễ phép toàn ngành giữ nghiêm... Với công việc phải tận lòng tận sức/Với kẻ thù phải cương quyết khéo khôn...”. Các tác giả: Phạm Trọng Thanh, Nguyễn Thấn, Nguyễn Hồng Vinh, Trần Văn Lợi... ở bộ môn thơ để lại nhiều dấu ấn với các tác phẩm viết về Bác Hồ. Với nhà thơ, nhà giáo Trần Văn Lợi, viết về Bác là cơ hội để anh bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Anh có chùm thơ gồm 11 bài thơ đoạt giải B (đợt I) Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh (2011-2013). Chùm thơ ca ngợi tấm gương đạo đức của Bác và tình cảm của các tầng lớp nhân dân đối với Bác; tiêu biểu là các bài thơ: “Ngôi nhà Bác ở”, “Đường cứu nước”, “Trồng cây càng nhớ lời Người”; “Ảnh Bác trong mọi nhà”, “Về Tỉn Keo nhớ Bác”... Ở bộ môn sân khấu, đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Khanh đã sáng tác 4 kịch ngắn: “Lời Bác dặn”, “Bác ra thăm đồng”, “Một lần ở bên Người”, “Các chú đừng quên” và chùm kịch bản văn học “Bác giữa đời thường”, “Vì dân”. Cả 4 tác phẩm kịch về đề tài Bác Hồ đều được viết từ những sự kiện có thực gắn với những lần Bác về Nam Định. Tác giả Giang Phong để lại nhiều dấu ấn với các tác phẩm về hình tượng Bác Hồ và làm theo gương Bác: “Hơi ấm bàn tay Bác”, “Quê nghèo đón Bác”, “Một bữa cơm tối của Bác”, “Nơi ấy không có sóng”…

Ở bộ môn mỹ thuật, họa sĩ Dương Đức Điện là một trong các tác giả có nhiều sáng tác về đề tài Bác Hồ. Trong suốt cuộc đời sáng tác, ông đã vẽ hàng trăm tranh cổ động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị; trong đó nổi bật là các tác phẩm chân dung Bác Hồ trên nhiều chất liệu như: bột màu trên pa-nô khổ lớn, bột màu trên giấy, sơn dầu trên toan, khắc tổng hợp, ghép gốm màu. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Bác Hồ vẫn bên chúng ta” (1967), tranh chân dung Bác Hồ khổ lớn (1975), “Bác Hồ thăm Nhà máy Dệt” (1984), tranh gốm màu Bác Hồ (2000), “Bác Hồ thăm nhà trẻ Nhà máy Dệt” (2003) và chân dung Bác Hồ (2004)... Họa sĩ Lê Đức Biết cũng là người có nhiều tranh vẽ về Bác Hồ trên các chất liệu sơn dầu, mực đen, màu acrylic, tiêu biểu như: “Trên đường chiến dịch 1”; “Trên đường chiến dịch 2”, “Một đời thanh bạch chẳng vàng son”, “Đêm đông Việt Bắc”… Các tác phẩm của ông khi vẽ về Bác luôn toát lên nét giản dị, mộc mạc từ y phục đến sự gần gũi trong từng hành động nhỏ chăm lo chiến sĩ như đắp chăn cho chiến sĩ bị sốt rét trong tác phẩm “Đêm đông Việt Bắc”. Họa sĩ Vũ Minh với tình cảm thiêng liêng dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc cũng đã có nhiều tác phẩm về Bác Hồ trên các chất liệu bột màu và sơn dầu, tiêu biểu như các tác phẩm: “Người công dân số một” (1998), “Bác Hồ về thăm Nhà máy Dệt” (2005), “Bác Hồ thăm Bảo tàng Dệt” (2010)... Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức ở bộ môn Mỹ thuật có sự thể hiện rất riêng qua các bức tượng điêu khắc Bác Hồ với kích thước từ 0,6m-2m. Để thể hiện thành công các tác phẩm điêu khắc Bác Hồ, ông đã tìm đọc nhiều tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng, phong cách đạo đức của Bác, từ đó thêm cảm xúc để thể hiện hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Theo ông Đức, trong nghệ thuật điêu khắc, ý tưởng chiếm 50-60% sự thành công của một tác phẩm. Ý tưởng hay, biểu tượng đẹp và phải đúng. Sự khắt khe trong nghề đã giúp ông tạo nên những tác phẩm Bác Hồ có bố cục chặt chẽ về kích thước và đạt được tính thẩm mỹ cao.

Hình tượng Bác Hồ qua các sáng tác đã thể hiện tình cảm, lòng tôn kính của các văn nghệ sĩ Nam Định đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới. Hình tượng của Bác mãi lan tỏa, tạo sức mạnh nội lực cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./.

Cơ quan chủ quản: xã Xuân Ngọc - huyện Xuân Trường
Địa chỉ: xã Xuân Ngọc - huyện Xuân Trường - tỉnh Nam Định
Email: xaxuanngoc.xtg@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang